Ngày 4/11,ệpNhậtsangViệtNamsănsinhviêtỷ lệ kèo ảo hàng nghìn sinh viên, chủ yếu đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội và một số trường kỹ thuật ở Hà Nội có mặt tại "Job fair Sekisho 2023" nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm từ gần 30 doanh nghiệp. Trong đó, 24 công ty từ Nhật Bản sang, đông nhất trong ba năm qua của sự kiện này.
Các gian hàng được trang bị một màn hình lớn cùng nhiều tờ thông tin. Đại diện các công ty túc trực để giới thiệu, giải đáp thắc mắc cho sinh viên. Theo ban tổ chức, khoảng 1.500 sinh viên năm cuối hoặc vừa tốt nghiệp đăng ký phỏng vấn trực tiếp với các doanh nghiệp trong hai ngày 4-5/11.
Ông Imahashi Tatsunosuke, đại diện Công ty Viện Công nghệ Đông Nhật Bản (East Japan Institute of Technology Co., Ltd), say sưa giới thiệu về công ty cùng chính sách hỗ trợ khi tuyển dụng sinh viên Việt Nam.
Ông Imahashi cho biết công ty làm nhiều dự án liên quan đến hệ thống nhúng, các hệ thống kiểm soát máy móc, hệ thống thông tin. Sang Việt Nam lần này, ông hy vọng tuyển được một số nhân sự có khả năng lập trình tốt, giao tiếp và đọc được tài liệu bằng tiếng Nhật. Các vị trí việc làm cho sinh viên mới ra trường được công ty trả lương 30 triệu đồng, hỗ trợ nhà ở, học tiếng, làm visa, đăng ký lưu trú và hỗ trợ chi phí đi lại.
"Ngoài kỹ năng chuyên môn và tiếng Nhật, chúng tôi cần những người cởi mở, chủ động, chăm học hỏi và sẵn sàng vượt khó khăn", ông Imahashi nói.
Ông Masaki Seki, Tổng giám đốc Tập đoàn Sekisho, cũng mong muốn phỏng vấn được hết số sinh viên đăng ký để tìm ra những nhân sự tiềm năng đến Nhật Bản làm việc.
"Chúng tôi mong sinh viên Việt Nam đến Nhật không chỉ làm cho các công ty lớn ở Tokyo mà còn làm cho các công ty vừa và nhỏ ở các thành phố lân cận", ông chia sẻ, trong vai trò là người tham gia tổ chức sự kiện.
Còn ông Taizo Mikazuki, Thống đốc tỉnh Shiga - thủ phủ công nghiệp hàng đầu Nhật Bản, cho biết đã hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội từ hai năm trước, hỗ trợ các khóa học tiếng Nhật tại trường và tuyển dụng sinh viên sang làm việc tại Shiga.
"Trong khoảng 6.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Shiga, có 20 sinh viên Bách khoa Hà Nội làm việc cho các doanh nghiệp. Chúng tôi muốn tạo cơ hội việc làm cho nhiều sinh viên hơn nữa", ông nói.
Các doanh nghiệp cho hay từ Nhật Bản sang tuyển dụng vì đánh giá cao khả năng của các kỹ sư người Việt.
"Nhiều sinh viên ưu tú, thông minh, có những người sang tập đoàn Sekisho làm việc một vài năm, sau đó trở về mở được công ty riêng", ông Seki nói.
Giáp Mạnh Tuấn, sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, tranh thủ đến tìm hiểu thông tin của 4-5 công ty trong buổi sáng và có hẹn phỏng vấn trực tiếp vào buổi chiều.
Tuấn cho biết cách đây nửa năm, em giành học bổng học tiếng Nhật do tỉnh Shiga tài trợ. Tham gia khóa học, Tuấn biết và thích cách làm việc quy củ, rõ ràng của các doanh nghiệp Nhật. Ngoài ra, nam sinh nhìn nhận thu nhập khá hấp dẫn khiến em đặt mục tiêu làm việc tại Nhật Bản hoặc công ty Nhật tại Việt Nam.
"Em hy vọng sớm hiện thực hóa được mục tiêu này. Các doanh nghiệp em hướng đến đều liên quan đến cơ khí, bảo trì, vận hành máy", Tuấn nói.
Với Nguyễn Hoàng Đan, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ thông tin, việc doanh nghiệp Nhật đến tận trường tuyển dụng là cơ hội để tìm hiểu những điều kiện cần thiết khi ứng tuyển.
Đến xem gian hàng của 6 doanh nghiệp, Đan hạ quyết tâm học tiếng Nhật chỉn chu hơn. Hiện tại, em đạt trình độ N4 (chứng chỉ tiếng Nhật quốc tế gồm 6 cấp, cao nhất là N1), trong khi các doanh nghiệp thường tuyển ứng viên có chứng chỉ N3 trở lên.
"Hiểu về nhu cầu của các công ty sẽ giúp em có động lực để học tập và trau dồi hơn", nam sinh nói.
PGS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết thành công của sinh viên tại các doanh nghiệp Nhật Bản là dấu ấn khẳng định chất lượng đào tạo. Trình độ kỹ thuật công nghệ của Nhật Bản rất tiên tiến và văn hóa lao động trong các doanh nghiệp nổi tiếng quy củ.
Cũng theo ông Điền, doanh nghiệp Nhật đánh giá cao sinh viên Bách khoa ở kiến thức chuyên môn, cho rằng tương đương với nhân sự đào tạo ở Nhật, cùng sự cần cù, sáng tạo. Đó cũng là lý do họ đến tuyển dụng sinh viên Bách khoa, hỗ trợ dạy tiếng và một số hoạt động khác.
Điểm hạn chế của các sinh viên là khả năng ngôn ngữ và văn hóa doanh nghiệp.
"Giải pháp của chúng tôi là hợp tác với doanh nghiệp để tăng cường kỹ năng về nghề nghiệp cho sinh viên", ông Điền nói. Trường cũng đang chú trọng đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết khác để sinh viên đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Tại Hội thảo 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Nhật hôm 25/8, Cục phó Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cho biết tính đến hết năm 2022, hơn 345.000 lao động Việt Nam đang làm việc, sinh sống tại Nhật Bản. Trong số này có 65.000 lao động kỹ thuật, kỹ sư, phiên dịch viên.
Thống đốc tỉnh Shiga hy vọng việc người Việt trẻ làm việc tại Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, là cách tạo nguồn nhân lực để phát triển Việt Nam sau này.
"Tôi cũng hy vọng một trong số ứng viên hôm nay sẽ trở thành giám đốc một doanh nghiệp ở Shiga trong tương lai", Thống đốc Taizo Mikazuki nói.